Quản trị chiến lược doanh nghiệp: khái niệm và bản chất

Khái niệm quản trị chiến lược ra đời như một quy luật tất yếu và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế – xã hội khác nhau. Đây được xem là sự tiến hóa về lý thuyết tổ chức, và bắt đầu nhận được sự chú ý, cả về mặt học thuật và môi trường kinh doanh thực tế, từ những năm 1950. Khái niệm quản trị chiến lược thực sự phát triển vào những năm 1960 và 1970 với hàng loạt quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Theo Stead và Stead (2008), quản trị chiến lược có nguồn gốc từ hoạch định chiến lược doanh nghiệp, theo đó quản trị chiến lược “là một hệ thống, trong đó các nguồn lực kinh tế được áp dụng một cách hiệu quả thông qua các hoạt động chức năng được phối kết hợp trong doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận”. Porth (2002) khẳng định quản trị chiến lược là sự phát triển cấp cáo của hoạch định chiến lược, “… bao hàm cả hoạch định và quản trị trong một quy trình”.

Ansoff and McDonnell (1990) cho rằng “quản trị chiến lược là một cách tiếp cận quản trị thay đổi có tính hệ thống, gồm: định vị doanh nghiệp thông qua chiến lược và hoạch định, thích ứng chiến lược cập nhật thông qua quản trị bất ổn, và quản trị một cách có hệ thống những thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược”. Như vậy, quản trị chiến lược là quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá các quyết định cho phép tổ chức đạt được mục tiêu cuối cùng – tạo ra giá trị cho tổ chức (Porth, 2002).

Stead J. và Stead W. (2008) định nghĩa “quản trị chiến lược là một quy trình liên tục bao gồm các nỗ lực điều chỉnh doanh nghiệp của nhà quản trị chiến lược cho phù hợp với bối cảnh môi trường hoạt động, đồng thời phát triển lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”. Lợi thế cạnh tranh cho phép doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội và tối thiểu hóa những đe dọa từ môi trường.

Một cách khái quát, khái niệm quản trị chiến lược là một thuật ngữ rộng, bao gồm việc xác định nhiệm vụ và mục tiêu của tổ chức trong bối cảnh môi trường bên trong và bên ngoài có nhiều thay đổi. Quản trị chiến lược (strategic management) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong doanh nghiệp, đòi hỏi sự tham gia của không chỉ một cá nhân hoặc một tập thể lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Từ khi xuất hiện, khái niệm quản trị chiến lược phát triển nhanh chóng thông qua việc xây dựng các mô hình lý thuyết và thực nghiệm. Trong những năm 1960, tồn tại một số mô hình phân tích nổi bật như ma trận BCG, ma trận SWOT, Đường cong kinh nghiệm (the Experience Curve), và Phân tích danh mục đầu tư (Portfolio Analysis). Cùng với đó là sự ra đời hàng loạt khái niệm quan trọng như phân tích cấu trúc kinh tế (economic analysis of structure), hành vi và hiệu năng (behavior and performance), năng lực khác biệt (distinctive competences), các kỹ năng (skills), và hệ thống hoạch định chiến lược (strategic planning systems).

Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *